Mỗi độ hè về thì giới luyện thi IELTS lại mong ngóng volume mới nhất trong series đề huyền thoại, sát đề thật nhất và cập nhật xu hướng ra đề mới nhất. Đợt này cũng không phải ngoại lệ
Đọc sơ quyển Cambridge IELTS 16 có thể thấy các chủ đề được chọn bám rất sát các vấn đề đáng chú ý ngày nay. Điển hình:
Artificial Intelligence (trí thông minh nhân tạo), algorithms (các thuật toán) và ảnh hưởng của chúng lên mọi mặt của cuộc sống
Driverless vehicles (xe không người lái)
Stoicism (chủ nghĩa khắc kỉ)
Climate change (biến đổi khí hậu)
...và các chủ đề về nghiên cứu công nghệ, sinh học,...
...và có cả review sách nữa
...và tất nhiên đặc sản Reading Passage 1 về các di tích lịch sử (đọc như wikipedia thôi)
ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Để làm tốt phần Reading/Listening, các tip làm bài chỉ hữu dụng ở một mức nhất định.
Phần còn lại, và rất lớn, là việc siêng năng cập nhật kiến thức phổ thông thông qua tin tức, các bài báo nghiên cứu (các nguồn phổ biến như The Guardian, The Scientist, The Atlantic, The New York Times,...) về mọi mặt trong cuộc sống. Khi bạn có thói quen đọc nhiều, tiếp thu nhiều kiến thức thì chủ đề và độ dài mấy bài mà IELTS lựa làm bài thi cũng sẽ bớt khó nhằn đi.
Từ đó suy ra, để cải thiện Writing và Speaking, thay vì học các danh sách từ hay danh sách ý tưởng dài ngoằng mà khô khan, các bạn hãy xem như giải một đề là chuẩn bị tư liệu để làm thuyết trình như hồi cấp 2 cấp 3 (và cả ĐH).
Một nguồn hữu dụng cho việc này là các bách khoa toàn thư. Wikipedia cũng được, nhưng có một nguồn rất hay là Encyclopedia Britannica - phiên bản điện tử của bộ đại bách khoa toàn thư Britannica - gồm rất nhiều bài viết đã được hàng ngàn chuyên gia chắp bút và thẩm định để giúp bạn định nghĩa gần như mọi chủ đề và các khía cạnh liên quan. Để viết hay nói về chuyện gì thì cũng phải có một tẹo kiến thức nền, nếu không thì lập luận của bạn sẽ ngây ngô như con nít cấp 1. Để làm việc đó thì phải đọc và tìm hiểu.
Ví dụ:
Hôm bữa mình cần viết một bài Writing Task 2 về việc bắt tội phạm làm lao động công ích (community service) thay vì ngồi tù (imprisonment). BIết rõ bản thân mình chưa biết nhiều về chủ đề này, mình phải leo lên bách khoa toàn thư và đọc về các hình phạt cho tội phạm (facts) và các quan điểm (views/opinions) về chúng. Từ đó mình mới hình thành quan điểm của bản thân (personal opinion) rồi mới viết mà tự tin lập luận của mình tạm chặt chẽ được.
Ví dụ lập luận ngây ngô:
Làm lao động công ích --> giúp tội phạm hướng thiện, quên đi hành vi tội ác --> giúp ích cho đời.
Ví dụ lập luận bớt ngây ngô, bớt võ đoán mà có tìm hiểu (tiện đi lụm từ của người bản xứ luôn):
Link 1 (về Punishment nói chung, mục đích và các dạng hình phạt) https://www.britannica.com/topic/punishment
LInk 2 (về Restorative justice - công lý phục hồi, có đề cập community service để hiểu cho đúng đắn) https://www.britannica.com/topic/restorative-justice
Làm lao động công ích --> làm không công (unpaid work) cho các tổ chức từ thiện (charitable agencies), phi lợi nhuận (non-profit organizations) hay các cơ quan chính phủ (governmental agencies) + thường áp dụng cho các tội không nghiêm trọng (minor crime) --> khi hoàn thành các công việc này thì người phạm luật đã bù đắp cho cộng đồng (contribute to society) bằng một việc tốt, nhưng quan trọng hơn là nó giúp thay đổi tư duy và giá trị của bản thân họ (change their mindset and values) theo hướng tích cực vì đây là bằng chứng họ thừa nhận mình đã làm sai và phải chịu trách nhiệm (acknowledgement of the wrong and a statement of responsibility) --> cái này mới là đạt được mục đích của việc phạt: ngăn chặn tội ác khi nó mới nhen nhúm (deter crime in its infancy)
==> nếu bạn không có ai chỉ dạy hay nói cho mình về các kiến thức này, thì bạn phải tự thân vận động kiếm chúng nè. Các danh sách ý tưởng (list of ideas) cũng chỉ là phần đúc kết cuối cùng. Để lập luận thuyết phục, bạn phải hiểu phần gốc - là các dữ kiện thật, còn quan điểm mà có bí thì đọc quan điểm của chuyên gia, kết quả của các nghiên cứu, hay bình luận của các độc giả, từ đó tự đánh giá và hình thành quan điểm của mình (các bạn trong lớp cứ nghe mình xúi bảo đọc phần bình luận của mấy bài trên VnExpress là vì như vầy nè. Đọc vừa giải trí mà vừa thấy thế giới lắm kiểu suy nghĩ ahihi)
==> Học một cách organic như thế này thì sẽ thấm lâu hơn các bạn à. Một vài chia sẻ nho nhỏ đúc kết từ kinh nghiệm bản thân. Nếu bạn thấy hợp lý thì triển thử xem hiệu quả tới đâu với bản thân mình nè 👍👍👍
Quá trình đăng kí thi
Mình dự định thi trên máy tính và đăng kí qua website của British Council (BC). Ngày mình chọn là 17.10.2020 nhưng do mình chần chừ chưa điền form nên tới sáng ngày 12.10 thì BC đã hết chỗ, thế là mình chuyển sang đăng kí ở IDP.
Mình điền đơn online rồi submit mọi thứ thì được cho nhiều lựa chọn thanh toán: qua thẻ, chuyển khoản, hoặc tới đóng tiền trực tiếp tại văn phòng IDP trong vòng 24 tiếng sau khi gửi form. Thế là mình lên văn phòng IDP Mạc Đĩnh Chi để đóng tiền. Có một điểm rất hay ở đây là họ làm việc xuyên trưa nên mình đến lúc 12h trưa đóng tiền không thành vấn đề. Cái này rất thích hợp với người đi làm bận rộn nè.
Sau khi đăng kí thì bạn sẽ nhận được email xác nhận, dặn dò về ngày thi và trước khi thi vài ngày thì sẽ có email nhắc ngày thi, giờ thi các kiểu nữa. Về điểm này thì là chuẩn ròi mình hông comment thêm.
Cảm nhận về khâu tổ chức thi
Mình đến thi máy tính tại văn phòng IDP luôn nhưng mà ở trên tầng 4. Cảm nhận ban đầu là phòng ốc hiện đại, sạch sẽ và quan trọng nhất là máy lạnh không quá lạnh! Hồi trước bạn mình thi ở BC (cả giấy lẫn máy tính) nhá rằng phòng thi rất lạnh, lạnh mà tới độ tay run không gõ bàn phím nổi nên là mình đã sơ cua cái áo khoác. Nhưng thực sự thì nhiệt độ phòng thi máy tính hôm ấy của mình rất dễ chịu, không quá lạnh .
Khi check in thì các bạn sẽ được chụp hình và lấy dấu vân tay để lúc thi Speaking (mình thi Speaking sau khi thi 3 kĩ năng kia) thì họ xác nhận lại. Hình này sẽ xuất hiện trên bằng IELTS nên là các bạn nhớ tươi tỉnh, ai thích trang điểm cho xinh tươi thì cũng nên làm. Nhưng mà hông được cười nha vì hình này chụp style CMND.
Sau khi check in thì giám thị sẽ chiếu video hướng dẫn cách làm bài cũng như các lưu ý khác. Điểm mình thấy quan trọng nhất đó là việc đi vệ sinh . Mình nghĩ khoản này nên lưu tâm vì mình ngồi thi liền mạch tới gần 3 tiếng cơ mà huhu. Anyway, bạn chỉ được đi toilet TRONG phần thi Reading và Writing và KHÔNG ĐƯỢC ĐI trong 10 phút cuối của 2 phần thi này. Bạn không được đi toilet GIỮA các phần thi, và khi dùng thời gian thi để đi toilet thì không có bù giờ nhé. Điểm thứ hai các bạn nên lưu ý làm theo hướng dẫn của giám thị về việc log in bài test và bắt đầu bài test. Đừng táy máy không cần thiết và đừng bấm Start Test khi chưa được yêu cầu.
Về thiết bị thì mình thấy rất hiện đại và tiện nghi. Bàn phím đánh êm, có chuột, màn hình to thoải mái và quan trọng là tai nghe có dây, không lo có vấn đề gì trong suốt bài thi Listening. Trên bàn còn có sẵn một chai nước suối, combo gôm chì huyền thoại, và cặp nút bịt lỗ tai (earplugs) để chống ồn. Mình thấy mọi người tập trung làm bài cũng không có tiếng ồn gì đáng kể (ngược lại còn có tác dụng tạo cảm giác bận rộn nữa hihi) nên không dùng nút bịt này.
Về giấy nháp thì nếu bạn cần có thể nháp lên tờ giấy chứa thông tin log in á. Một tờ dùng chung cho Reading và Listening, và một tờ khác cho Writing. Mình ban đầu cũng tính nháp nhưng rồi thấy thao tác thẳng trên máy tính thoải mái hơn nên không cần.
Sau khi thi 3 kĩ năng theo thứ tự Listening, Reading và Writing thì mình xuống lầu 3 ngồi đợi vào phòng thi Speaking. Mình thi xong lúc 4h và là thí sinh thi Speaking cuối cùng nên ngồi đợi mòn mỏi tới 5h15 haha. Cũng tốt vì mình có thời gian xem qua mấy câu hỏi Part 2 của quý này, nghĩ ra thứ để nói để vô không bị khớp.
Về bài thi (thao tác làm bài và nội dung bài thi 17.10.2020)
Listening:
Bạn có thể chọn cỡ chữ, màu chữ và màu nền mong muốn. Mình để mặc định cỡ chữ thường và chữ đen trên nền trắng.
Một điểm cần lưu ý là thời gian đọc câu hỏi. Như mọi người đều biết thì phần ví dụ ban đầu dài tầm 1.5 phút đã được bỏ cho bài thi giấy và bài thi máy tính cũng không ngoại lệ. Mình nghĩ đây cũng là điểm tốt vì bạn nên tập trung vào những câu ngay trước mắt. Nhưng có một điểm hay là cuối Part 1 thay vì chỉ có 30 giây kiểm lại câu trả lời thì giờ mình lại có tới 1 phút (các bạn làm thử phần Listening của quyển Cam 15 sẽ thấy vụ này).
Bạn có thể xem trước câu hỏi của các Part sau thoải mái y như thi giấy nhe. Chỉ cần bấm vào các câu 11 / 21 / 31 thì sẽ thấy nội dung Part 2/3/4 tương ứng. Đầu bài thi mình bấm coi hết để xem phần nào các câu hỏi dài hơn bình thường để tranh thủ thời gian nghỉ giữa các Part để đọc. Nào ngờ cả Part 3 và 4 đều có Multiple choice dài thườn thượt
Một điểm rất hay chính là chức năng highlight. Bạn hoàn toàn có thể highlight keywords trong câu hỏi, chỉ cần double click vào từ muốn tô rồi chọn Highlight. Làm vài câu sẽ thấy quen thao tác và tốc độ y như thi trên giấy. Mình thuộc dạng trí nhớ ngắn hạn kém nên là phải highlight keywords lên để tới câu hỏi nào thì còn biết phải ghim chữ nào để ra đáp án
Hết Part 4 thì bạn sẽ có 2 phút để check lại bài làm. Hai phút trôi qua rất nhanh nên là bạn nào trước đó note trên giấy rồi mới oánh vô sẽ dễ mất bài lắm nha. Các bạn nên đánh đáp án thẳng vào luôn. Ở dưới cùng trên màn hình có danh sách các câu đã trả lời (số thứ tự của câu đó được gạch dưới), còn các câu chưa trả lời thì được tô đậm để dễ theo dõi.
Về nội dung bài thi thì bài của mình như sau:
Part 1 về Classes at a community center (Table + Note)
Part 2 về một chuỗi nhà hàng và các dịch vụ kèm theo (Sentence completion + Multiple choice with multiple answers)
Part 3 về thảo luận của hai sinh viên về thị trường việc làm trong tương lai (Multiple choice with single answer + Matching)
Part 4 thì về một nghiên cứu về cá sấu ở Mauritania và tại sao tụi cá sấu sống ở wetlands (Multiple choice with single answer + Sentence completion)
Theo đánh giá của mình thì tốc độ bài nghe ngang các bài trong bộ sách huyền thoại Cambridge IELTS và các sách mới như IELTS Trainer 2. Các chủ đề cũng có trùng lặp (VD: Part 1 thường nói về thuê nhà, thất lạc đồ, hỏi thông tin du lịch,…có bài tương tự trong Test 4 quyển The Official Cambridge Guide to IELTS; Part 2 thì hướng dẫn viên giới thiệu về khu du lịch, quản lý giới thiệu cho nhân viên hay khách hàng về nhà hàng, công ty,…; Part 3 thì cứ sinh viên hoặc giảng viên/giáo sư thảo luận bài nghiên cứu/thuyết trình,…; còn Part 4 thì một bài giảng ngắn về đủ thể loại chủ đề trên đời nhưng không hề cao siêu). Vậy nên việc nghe nhiều, thu thập các từ vựng theo chủ đề thường gặp trong Listening khá hữu ích nha. Đặc biệt từ vựng đứng càng gần chỗ trống thì càng bị paraphrase nên phải chuẩn bị tâm lý để ‘ghim’ chữ nào dẫn tới đáp án khi highlight/gạch chân keywords.
Reading:
Chức năng highlight phát huy hiệu quả cao trong phần thi này vì mình có thể highlight cả phần câu hỏi lẫn phần bài đọc. Đặc biệt khi xài xong highlight trong bài đọc của một cụm câu hỏi nào rồi thì mình có thể xóa hết đi để highlight cho cụm câu hỏi mới. Nếu bạn muốn giữ tất cả highlight cũng được luôn nhe. Mình xóa highlight là vì có tới 2 lần phải làm Matching (information và feature-tên người) nên là đọc hết cả bài, đánh dấu từa lưa luôn nên bản thân thấy hơi rối mắt thôi.
Chức năng kiểm câu đã trả lời hay chưa y như trong phần Listening nha.
Ngoài ra chức năng Copy-Paste giúp bạn không bị sai spelling khi chuyển đáp án từ bài đọc sang chỗ trống điền từ nè. Team hay sai spelling sẽ mừng lắm hihi.
Về nội dung bài thi thì bài của mình như sau:
Reading Passage 1 về Desertification (True/False/Not Given + Flow-chart labelling)
Reading Passage 2 về Boring Buildings (Matching information + Matching features - tên người và nội dung - + Summary completion)
Reading Passage 3 về Elephants and seismic communication (Diagram labelling + Matching information + Summary completion + Multiple choice with single answer).
Theo đánh giá của mình thì bài reading 1 dễ, bài 2 và bài 3 độ khó ngang nhau. Bạn nào hay đọc nhiều tài liệu rồi viết báo cáo, luận văn có trích dẫn nhiều sẽ quen với kiểu hành văn của bài 2 và 3 vì hai bài này đều đưa ra một vấn đề rồi nói về cách các nhà khoa học khác nhau thực hiện nghiên cứu để hiểu thêm về chúng, bàn về quá trình thí nghiệm, kết quả nghiên cứu, rồi đưa ra ứng dụng các thứ. Đây là kiểu viết của những bài báo từ các nguồn như New Scientist, The Guardian, The New York Times,... Việc làm quen với cách viết của các báo và tạp chí này sẽ giúp bạn đọc nhanh hơn nè.
Writing
Phần thi writing trên máy tính là lý do chính khiến mình chọn hình thức thi này. Số là trong công việc mình quen đánh máy nhiều nên là lực tay khi viết giảm hẳn (kiểu như ý trong não nhiều mà tay viết không kịp thì ức chế lắm :(((). Chưa kể khi lập dàn bài trên máy thì mình có thể viết câu từ các ghi chú đó luôn, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với thi trên giấy.
Có chức năng Word count nên là các bạn không cần lo là không biết mình làm đủ số chữ chưa nhe. Vì đánh máy quá tiện nên Task 1 mình làm tới 200 chữ, còn Task 2 tới hơn 300 do oánh hăng quá . Đi thi giấy không đời nào tay của mình viết được tới đó huhu.
Nội dung bài thi của mình:
Task 1 là Process - How different types of tea are manufactured (green tea, oolong tea, and small leaf black tea)
Task 2 đề là: "The best way to teach children to co-operate is through team sports at school. To what extent do you agree or disagree?"
Một lời khuyên chân thành trong Task 2 đó là khi bạn đánh xong mở bài thì hãy oánh luôn kết luận rồi sau đó oánh các đoạn body ở giữa. Cách này thực sự giúp mình hoàn thành bài nhanh hơn á vì khi hết 60 phút thì màn hình tự tắt chứ không có nhây như thi giấy nha (giống như ai đó tới giựt bài thi của mình vậy hahaha). Bạn nào khi làm practice test hay nhây nhây để cuối giờ viết kết luận coi chừng hông kịp. Kiểm soát thời gian rất quan trọng nha các bạn.
Speaking
Mình là người thi cuối cùng trong ngày nên cũng hơi lo sợ giám khảo mệt nhưng thực sự thì ông ấy rất vui vẻ, thân thiện và tạo cảm giác thoải mái cho mình.
Part 1 mình được hỏi về Where you live + Furniture + Handwriting
Part 2 của mình là Describe an ambition you have had for a long time
Part 3 là về Ambitions of young people (Giới trẻ VN có tham vọng gì? Tại sao lại có những tham vọng như vậy? Nhà trường và ĐH có làm gì giúp học sinh sinh viên đạt được hoài bão cá nhân không? Bố mẹ có nên quyết định nghề nghiệp cho con cái không?) và Working with ambitious people (Tại sao người ta lại muốn đạt được các vị trí cao trong công ty? Việc đạt được vị trí cao ấy mang lại cho họ cái gì? Bạn cảm thấy thế nào khi làm việc với những người có tham vọng?)
Khi thi Speaking thì mình chủ yếu nói thật (có chế một vài chỗ để cho tiện hết câu, khỏi giải thích thêm lằng nhằng tự làm khó bản thân) nên cả bài thi giống như một cuộc trò chuyện với bạn bè. Đương nhiên mình cũng cảm thấy hồi hộp, nhưng mình nghĩ rằng tâm lý thoải mái, không gấp gáp là quan trọng. Lý do là vì khi hồi hộp thì có nhiều bạn gặp tình trạng “loạn thần”, nói lắp bắp, lặp lại bản thân và không hoàn thành câu đã nói. Mình tin rằng chính việc nói chậm rãi, liền mạch, ý tưởng rõ ràng, giải thích thỏa đáng, phát âm rõ ràng các âm (phụ âm đầu, phụ âm cuối, nguyên âm, dấu nhấn,…) và có ý thức về weak form / strong form (các bạn Google nhe vì bài cũng đã dài ) đã giúp mình đạt 8.5 Speaking. Hồi xưa có người đả thông cho mình rằng “accurate = smooth, mà smooth = fluent” đến bây giờ nghiệm ra thì không sai một chữ . Về từ vựng thì thật sự mình không dùng idiom gì ngoài đúng một cụm “climb the career ladder” ở Part 3, chủ yếu là collocations thôi.
Kết luận
Nhìn chung trải nghiệm thi trên máy tính của mình khá thoải mái và mượt mà. Mình thấy nếu bạn nào đã quen làm việc với màn hình và bàn phím nhiều thì thi máy rất tiện. Còn đối với bạn nào đã quen với giấy bút nhưng muốn thử thi máy thì đừng ngần ngại vì các thao tác trên giấy đã được tái hiện lại trên máy với độ tiện lợi được tăng cường (tai nghe tín hiệu tốt, word count, copy-paste, highlight, font size,...). Túm lại là mình rất recommend hình thức thi này :))